Header Ads Widget

Dạy con cách phòng tránh bị bắt cóc

Những vụ án bắt cóc trẻ em thời gian gần đây đã khiến những người có con nhỏ không khỏi sợ hãi, lo lắng. Các phụ huynh ngày càng nhận thức rõ việc dạy trẻ cách phòng tránh bắt cóc cũng như cách đối phó, xử trí khi lâm vào tình huống này là điều quan trọng đến thế nào. Dưới đây là tổng hợp của KyNangSinhTon.com một số kỹ năng mà bạn có thể dạy cho con mình phòng tránh khả năng bị bắt cóc.

I. Những tình huống kẻ bắt cóc có thể ra tay

1. Đóng giả nhân viên giao hàng, thợ điện, nước…

Một người mẹ kể lại con mình suýt bị những kẻ buôn người đóng giả làm nhân viên giao hàng dắt đi. Hôm ấy, con trai chị chơi một mình trong phòng khách thì có người bấm chuông tự nhận là nhân viên đến giao đồ ăn. Tuy nhiên, người này nói với bé trai là để quên nước ngọt dưới xe nên đưa bé xuống dưới lấy đồ lên. Khi người mẹ bất ngờ chạy ra tìm con thì bé đã chuẩn bị bước vào thang máy để xuống dưới cùng người đàn ông lạ mặt.

Hiện tượng này không chỉ ở Trung Quốc mà cũng đã xuất hiện ở Việt Nam. Kẻ buôn người chỉ cần mặc bộ đồ đồng phục rồi đóng giả thành nhân viên công ty mạng, giao hàng… là có thể đường đường chính chính gõ cửa các hộ gia đình. Tranh thủ lúc người nhà không có người lớn ở nhà, họ sẽ đóng kịch và lừa đưa trẻ đi. Hoặc nếu có người lớn ở nhà, họ sẽ lợi dụng lúc cha mẹ trẻ không để ý để đưa con đi. Thậm chí, nếu trường hợp trẻ đang học ở trường, kẻ lạ mặt còn đóng vai là người thân, họ hàng của bé để đến lớp đón trẻ.

2. Đến tận nhà rình rập thời cơ thuận lợi bắt cóc trẻ

Gần đây, báo chí đưa tin rất nhiều về các vụ bắt cóc trẻ em giữa ban ngày ngay tại nhà. Nhiều bà mẹ cho rằng phải hết sức cảnh giác khi cho con chơi tại sân nhà, cổng ngõ hoặc ở ngõ. Vì chỉ sơ sẩy không đề phòng một phút thôi, nhiều cha mẹ đã mất con trong tích tắc. Kẻ lạ mặt sẽ xông vào tận nhà bắt trẻ đi giữa ban ngày. Đây là chiêu bắt cóc trẻ cực nguy hiểm và táo tợn, các cha mẹ trẻ nên cảnh giác cao độ.

3. Trẻ có thể bị bắt cóc khi đang ngồi ngay sau yên xe mẹ đèo

Các bậc phụ huynh khi ra ngoài cùng con nên đề cao cảnh giác, ngay cả khi bố mẹ đi bên cạnh con cũng chưa chắc chắn đã an toàn. Tháng 8/2016, camera an ninh ở Trung Quốc đã ghi lại được cảnh một bé trai bị bắt cóc khi đang ngồi sau yên xe mẹ. Tên bắt cóc ra tay rất nhanh gọn, đến khi mẹ bé trai quay người lại phát hiện con mất tích thì bé đã bị bế đi rất xa.

Tại Việt Nam, tháng 6/2017, tại đoạn đường Nguyễn Trãi, giáp ranh Hà Đông (Hà Tây) - Thanh Xuân (Hà Nội), chị M.T.N., công tác tại một công ty viễn thông bị chấn thương nhẹ khi đèo con và va chạm với 2 kẻ lạ mặt. Khi dựng lại được xe, chính chị N. phóng xe đuổi theo gã đã bế con mình đi.

Một tài khoản đã chia sẻ trên mạng weibo một sự việc bắt cóc mà mình tận mắt chứng kiến: tại ga tàu, một đôi vợ chồng trẻ đang bế con vội vã lên tàu thì bất ngờ có kẻ lạ mặt đi từ hướng ngược lại giật đứa bé trên tay mẹ rồi lẩn vào đám đông trốn mất. Vì ga tàu, bến xe là nơi đông người, tình thế hỗn độn nên việc tìm ra kẻ bắt cóc con mình là việc rất khó khăn.

Trong tình huống này, mỗi khi đưa con ra ngoài chơi, phụ huynh cũng phải cảnh giác cao độ. Tốt nhất không nên đèo con mà không có người lớn ngồi cùng. Hoặc nếu có đưa con ra đường, xe phải đầy đủ gương để tiện quan sát. Cha mẹ cần đeo đai bảo hiểm cho bé (buộc bé vào người lớn) là tốt nhất. Tuyệt đối không cho trẻ ngồi chênh vênh ở trước hoặc ở sau vì có thể phải đối mặt với nguy hiểm.

5. Dựng hiện trường hỗn loạn để bắt cóc trẻ

Mới đây, tại Hà Nội, một phụ nữ trẻ đang chở con lưu thông trên đường thì bị một người đàn ông tự xưng là tình cũ của cô gái này xông vào đánh và đòi bắt con. Hai bên giằng co hỗn loạn. Người ngoài không ai "dám" can thiệp.

Trong tình huống tương tự xảy ra tại Trung Quốc, một người mẹ khác đang đẩy xe nôi của con ra chợ mua đồ thì bất ngờ bị 1 người đàn ông lạ mặt tiến đến và đánh mình, hắn nói: “Con đang ốm mà cô còn đưa nó ra đường à?”. Lúc này, một phụ nữ lớn tuổi bế đứa bé trong xe nôi lên và lấy lý do là cháu ốm rất nặng cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức.

Thông thường trong các trường hợp như vậy, người ngoài sẽ chỉ cho rằng đây là mâu thuẫn gia đình nên không ai can dự vào, xem 1 lúc rồi sẽ bỏ đi ngay nên phụ huynh phải thật bình tĩnh để không bị bọn chúng làm cho hoảng loạn. Dù xảy ra bất cứ biến cố gì vẫn phải luôn giữ chặt con mình trước.

6 . Đánh lạc hướng khiến phụ huynh lơ là cảnh giác

Một bà mẹ ở Trung Quốc đã suýt bị bắt cóc mất con khi đang đi chợ. Có một người đi phía sau 2 mẹ con đã nhắc chị: “Con rơi giày rồi kìa”, theo phản xạ, người mẹ quay lại tìm giày còn con gái chị vẫn tiếp tục đi. Lúc mẹ tìm không thấy giày con và quay đầu lại thì con đã bị người khác dắt đi mất.

Tình huống này rất dễ xảy ra với bất kỳ ai. Khi đó, cần nhất là phụ huynh luôn luôn giữ chặt tay con mình trong mọi tình huống. Khi bạn cùng con ra khỏi nhà, là lúc mọi thứ có thể xảy ra, hay luôn đề cao cảnh giác.

7. Nhắm thời cơ trẻ chỉ có một mình

Một người mẹ đã để bé 5 tuổi của mình bị bắt cóc chỉ vì để bé chơi 1 mình dưới sân còn mình thì lên lầu phơi quần áo. Sau 11 năm không ngừng tìm kiếm, người mẹ này vô cùng bàng hoàng khi thấy con mình bị cắt mất lưỡi và 2 chân đang ăn xin trên phố. Thậm chí ở Trung Quốc còn có 1 ngôi làng chuyên “đào tạo” trẻ ăn xin đường phố bằng cách cố tình biến trẻ lành lặn thành người tàn tật và vứt ra đường. Trong số đó có rất nhiều trẻ là nạn nhân của bọn bắt cóc, buôn người.

II. Kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc

Bạn hãy dặn con những điều dưới đây.

1. Không bắt chuyện với người lạ

Đây cũng là kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc đầu tiên và quan trọng nhất, mục đích là ngăn sự tiếp xúc giữa trẻ và kẻ bắt cóc. Hãy dặn con bạn nếu có người lạ tìm đến và cố bắt chuyện khi con ở một mình, hãy chạy ngay đi tìm cha mẹ hoặc tới chỗ đông người để tìm những người đáng tin cậy như nhân viên cửa hàng, bảo vệ tòa nhà, cảnh sát hoặc người qua đường để xin sự giúp đỡ.

2. Không nhận quà từ người lạ

Để dụ dỗ một đứa trẻ đi theo mình, kẻ bắt cóc thường dùng quà như đồ chơi, đồ ăn để thu hút trẻ, sau đó hứa hẹn sẽ cho những món quà lớn hơn, đáng mơ ước hơn nếu trẻ đi theo chúng. Sau khi dụ được trẻ đến chỗ vắng vẻ, chúng sẽ thực hiện hành vi bắt có. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con tuyệt đối không nhận quà từ người lạ, nói với trẻ rằng bất kỳ món quà nào được người lạ trao khi không có bố mẹ, người thân bên cạnh thì đều vì mục đích xấu.

3. Giữ khoảng cách 3m với người lạ

Để tránh tình huống kẻ bắt cóc dùng thuốc mê hay "thuật thôi miên" - những cách chỉ có thể áp dụng ở khoảng cách gần, khiến trẻ dù biết đó là kẻ xấu cũng không có khả năng phản kháng, cha mẹ cần dặn con giữ khoảng cách với người lạ, tốt nhất là khoảng 3 mét. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, hãy chạy thật nhanh tới chỗ đông người để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nhiều kẻ bắt cóc khi không dụ dỗ được trẻ thì xoay sang đánh vào lòng tốt của các em như nhờ xách đồ hộ mình, hay nhờ dẫn đường để trẻ đi theo chúng. Hãy giúp con bạn ghi nhớ rằng khi có người lạ nhờ những việc đó, nên khéo léo từ chối; có thể tìm người lớn khác đến giúp nếu người đó thật sự cần giúp đỡ, tuyệt đối không đi theo người lạ.

4. Không cho người lạ vào nhà

Đây là kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản mà mọi đứa trẻ đều phải biết. Những lúc người lớn đi vắng, nhiều tên bắt cóc mạo nhận là người quen của gia đình, thợ sửa đồ, nhân viên thu tiền dịch vụ…. để dụ dỗ trẻ mở cửa. Do đó bạn cần dặn trẻ nếu ở nhà một mình tuyệt đối không được đến gần, tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ. Khi có ai đó ở ngoài gọi vào, hãy đứng ở khoảng cách xa và nói vọng ra. Nếu kẻ xấu cố tìm mọi cách để vào nhà, trẻ cần hô hoán và gọi ngay 113 để báo công an, sau đó gọi cho cha mẹ.

5. Không "chat" với người lạ

Nhiều trẻ tiếp xúc sớm với internet và bị kẻ xấu dụ dỗ qua kênh này. Trẻ có thể kết bạn qua mạng với kẻ xấu mà không biết. Chúng thường lợi dụng thông tin trẻ đăng tải trên mạng để khéo léo tiếp cận, làm quen rồi dụ gặp mặt bên ngoài. Vì vậy tốt nhất cha mẹ hạn chế con sử dụng các thiết bị điện tử, trẻ còn nhỏ không được mở tài khoản mạng xã hội, trẻ lớn hơn nếu được phép dùng mạng xã hội cũng cần có sự kiểm soát và không đăng công khai thông tin cá nhân, không kết bạn hay trò chuyện với người lạ.

6. Nhớ số điện thoại của bố mẹ

Số điện thoại của bố mẹ giúp trẻ cầu cứu khi bị lạc hay đang bị kẻ xấu tìm cách tiếp cận. Đây là con số mà trẻ phải học thuộc lòng.

7. Đeo đồng hồ có định vị

Chiếc đồng hồ thông minh có tính năng định vị sẽ giúp bố mẹ, cơ quan chức năng xác định được vị trí của trẻ chừng nào kẻ xấu chưa phát hiện và vô hiệu hóa nó. Bạn có thể sắm cho con một chiếc có thiết kế không bắt mắt để ít bị kẻ xấu chú ý.

III. Dạy con cách đối phó với kẻ bắt cóc

Trong trường hợp cảm thấy kẻ đang tiếp cận mình chính là kẻ xấu, đang có ý định bắt cóc, con bạn cần đối phó theo những cách sau.

1. Hét lên

Cha mẹ hãy dặn trẻ rằng trong tình huống nguy hiểm khi kẻ xấu đang tiếp cận hoặc bị chúng kéo đi, bị dàn dựng kịch bản để công khai bắt cóc, hãy hét lên thật to, thu hút sự chú ý của người đi đường. Có những khi kẻ bắt cóc giả danh người thân để kéo, bế trẻ đi, khiến người ngoài ngại can thiệp. Trong trường hợp này, trẻ cần hét to nói rõ đó không phải bố cháu, mẹ hay ông bà cháu, buộc kẻ xấu phải e ngại và người ngoài mạnh dan can thiệp.

2. Chống trả bằng thể lực

Ngoài việc gào thét kêu cứu, trẻ cũng nên phản kháng bằng thể lực như cào, cắn, đá. Nhiều kẻ bắt bóc vì bị cắn đau mà đã phải buông nạn nhân ra, khiến đứa trẻ có cơ hội bỏ chạy.

Ngoài ra, việc chống trả, tấn công này cũng là thông điệp để những người xung quang đó nghi ngờ rằng kẻ đó không phải thân nhân đứa trẻ và đang thực hiện hành vi bắt cóc, họ sẽ để ý và can thiệp. Tên bắt cóc nhiều khi chịu buông tha đứa trẻ khi bị cắn, đá không phải vì quá đau mà vì biết mình đã gây chú ý, nên đành bỏ cuộc.

Nguồn: KyNangSinhTon.com