Khi phát hiện người bị điện giật phải nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách:
Ngắt thiết bị đóng cắt điện (cầu dao, CB) hoặc rút phích cắm, cầu chì….
Lưu ý:
- Nếu trời tối thì phải chuẩn bị nguồn ánh sáng thay thế khi cắt nguồn điện;
- Nếu người bị nạn ở trên cao thì phải chuẩn bị để hứng đỡ khi người đó rơi xuống.
Nếu không cắt được nguồn điện có thể sử dụng:
- Kìm cách điện, búa, rìu, dao ... cán bằng gỗ để cắt, chặt đứt dây điện.
- Dùng vật cách điện (cây khô, sào nhựa…) tách dây điện ra khỏi người bị nạn (chú ý người cấp cứu phải đứng trên vật cách điện).
Túm vào quần, áo khô của người bị nạn để kéo người bị nạn ra khỏi nguồn điện (người cấp cứu phải đứng ở nơi khô ráo, trên vật cách điện, tay có găng tay cách điện hoặc quấn thêm vải khô, túi nilông và không được túm vào các bộ phận cơ thể người bị nạn).
Trường hợp phát hiện mất an toàn về điện phải khẩn cấp thông báo các số điện thoại sau:
- Điện lực:03203.992.000
- Cảnh sát PC&CC: 114
Để yêu cầu Điện lực cắt điện; phải báo rõ địa điểm người bị tai nạn điện.
Sau khi đã tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện phải tuỳ vào các hiện tượng sau đây để xử lý thích hợp:
1. Người bị nạn chưa mất trí giác
- Để nạn nhân ra chỗ thoáng khí, yên tĩnh chăm sóc cho hồi tỉnh.
Sau đó mời y, bác sĩ hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, chăm sóc.
2. Người bị nạn đã mất trí giác:
- Đặt nạn nhân nơi thoáng khí, yên tĩnh.
- Nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong miệng người bị nạn ra.
- Cho người bị nạn ngửi amoniac hoặc nước tiểu.
- Ma sát toàn thân người bị nạn cho nóng lên.
Mời y, bác sỹ đến hoặc đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi chăm sóc.
3. Người bị nạn đã tắt thở
- Đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí;
- Nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong miệng người bị nạn ra. Nếu lưỡi thụt vào thì phải kéo ra.
Tiến hành làm hô hấp nhân tạo ngay (theo nội dung trang sau), phải làm liên tục, kiên trì cho đến khi có ý kiến của y, bác sỹ quyết định mới thôi.
PHƯƠNG PHÁP
Hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực
(là phương pháp cứu chữa có hiệu quả nhất hiện nay)
1. Để người bị nạn nằm ngửa, nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong miệng người bị nạn ra, đặt đầu người bị nạn hơi ngửa ra phía sau.
2. Người cứu đứng hoặc quỳ bên cạnh người bị nạn, đặt chéo hai bàn tay lên ngực trái (vị trí tim) của người bị nạn rồi dùng cả sức mạnh thân người ấn nhanh, mạnh, làm lồng ngực người bị nạn nén xuống 3 đến 4 cm. Sau khoảng 1/3 giây thì buông tay ra để lồng ngực người bị nạn trở lại bình thường. Làm như vậy khoảng 60 lần/phút.
3. Đồng thời với động tác ép tim, phải có người thứ 2 để hà hơi: Tốt nhất là có miếng gạc hoặc khăn mùi soa đặt lên miệng người bị nạn, người cứu ngồi bên cạnh đầu lấy một tay bịt mũi người bị nạn, tay kia giữ cho miệng người bị nạn há ra hít thật mạnh để lấy nhiều không khí vào phổi rồi ghé sát miệng người bị nạn mà thổi vào lồng ngực phồng lên (hoặc bịt miệng để thổi vào mũi người bị nạn khi không thổi vào miệng được) hà hơi cho người bị nạn từ 14 đến 16 lần/phút.
Điều quan trọng là kết hợp 2 động tác nhịp nhàng với nhau. Cách phối hợp đó là: cứ 1 lần thổi ngạt thì làm động tác xoa bóp (ép) tim 4 nhịp (phù hợp với mỗi nhịp thở khoảng 4 giây và mỗi nhịp đập của tim là 1 giây). Làm liên tục cho đến khi người bị nạn tự thở được hoặc có ý kiến quyết định của y, bác sỹ mới thôi.
Nếu chỉ có một người cứu thì có thể làm như sau: lần lượt thay đổi động tác, cứ 2 đến 3 lần thổi ngạt thì lại chuyển sang 4 đến 6 lần ấn vào lồng ngực.
Nên nhớ rằng việc cấp cứu người bị điện giật là công việc khẩn cấp, càng nhanh chóng càng tốt. Phải hết sức bình tĩnh và kiên trì để cứu. Chỉ được phép cho là người bị nạn đã chết khi thấy bị vỡ sọ, bị cháy toàn thân.
Nguồn: KyNangSinhTon.com